Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu, cua giảm mạnh, trong khi giá gas, thực phẩm và trái cây đồng loạt tăng.
Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.701 USD/ounce - tăng 15 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua. Như vậy, tính chung, tuần qua giá vàng thế giới đã giảm 24 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng giảm mạnh.
Kết thúc tháng 4, giá vàng đã có mức tăng thêm 7%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2019 do những lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm.
Theo giới phân tích, giá vàng trong phiên cuối tháng 4 giảm mạnh bởi giới đầu tư thanh lý tài sản để tái cân bằng danh mục đầu tư, chờ đợi tháng 5 với những tác động có thể nhìn thấy từ tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0% của Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng có động thái tương tự sau cuộc họp mới diễn ra.
Bộ Lao động Mỹ cho biết thêm nước này ghi nhận thêm 3,84 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, đưa tổng số trong 6 tuần lên hơn 30 triệu. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng của cũng giảm 7,5% trong tháng 3 so với năm trước. Tình trạng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng xảy ra do các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, người tiêu dùng ở trong nhà do dịch bệnh Covid-19.
Edward Meir, nhà phân tích tại trung tâm ED&F Man Capital Markets, cho biết, các nhà đầu tư đã bán bớt vàng khi giá vàng không tăng cao hơn. Nếu giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ quan trọng 1.662 USD/ounce thì giá có thể giảm sâu hơn nữa.
Tuy nhiên, theo trưởng chiến lược gia thị trường Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính AxiCorp, đà giảm của giá vàng sẽ bị hạn chế, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay khiến nhiều nước áp dụng mức lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, từ đó giúp củng cố vị thế kênh đầu tư an toàn của vàng.
Tuy nhiên về lâu dài, giá vàng thế giới vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cam kết sẽ duy trì lãi suất thấp như hiện nay để ổn định vĩ mô đồng thời đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm
Tại kỳ điều chỉnh ngày 28/4, cơ quan điều hành thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 400 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 1.400 đồng/lít, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.600 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 500 đồng/kg; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: giảm 401 đồng/lít; Xăng RON95-III: giảm 308 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: giảm 882 đồng/lít; Dầu hỏa: giảm 674 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 657 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 10.942 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 11.631 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 9.941 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 7.965 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 8.670 đồng/kg.
Thời gian thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu cũng như điều chỉnh giá được áp dụng từ 15 giờ 00 chiều (28/4).
Như vậy, với lần điều chỉnh này, giá xăng dầu tiếp tục ghi kỷ lục với chuỗi giảm liên tiếp lần thứ 8. Nguyên nhân là do tác động từ giá thế giới giảm, nhu cầu đi lại sụt mạnh vì đại dịch Covid-19.
Giá gas tháng 5 tăng mạnh
Công ty Gas Pacific Petro, City Petro, ESGas cho biết từ ngày 1/5 giá gas tăng 34.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá quá 335.000 đồng/bình 12 kg.
Giá gas tháng 5 tăng mạnh.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) công bố giá bán gas tăng 34.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là 311.000 đồng/bình 12 kg.
Công ty gas Thủ Đức cũng tăng 34.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ các loại bình sắt, nhựa màu hồng, màu vàng 311.500 đồng/bình 12 kg.
Theo các công ty gas, do giá gas thế giới tháng 5 công bố 340 USD/tấn, tăng 105 USD/tấn so với tháng trước, vì vậy các công ty đã điều chỉnh tăng theo.
Đại diện Công ty Gas Pacific cho biết thêm vào ngày 21/4, giá gas thế giới tháng 5 được dự báo tăng 110.5 USD/tấn, tương đương tăng 36.000 đồng/bình 12 kg. Tuy nhiên, đến cuối tháng tháng 4, giá gas đã được chốt ở mức tăng thấp hơn nên giá gas tháng 5 tăng nhẹ hơn so với dự báo.
Ông Cao Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ban Mai Việt Nam, cho biết tùy vào các chương trình khuyến mãi mà cửa hàng hoặc đại lý đang áp dụng, giá gas đến nhà người tiêu dùng có thể thấp hơn mức giá đề nghị của các công ty đầu mối.
Theo ông Hải, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sản lượng gas tiêu thụ tại kênh các hộ gia đình tăng do người dân chủ yếu ăn uống tại nhà, trong khi sản lượng tiêu thụ gas ở kênh sỉ (nhà hàng, khách sạn, quán ăn,…) giảm mạnh.
Như vậy từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần giảm giá liên tiếp (tháng 2, 3 và 4) và 2 lần tăng (tháng 1 và tháng 5). Tổng 3 lần giảm liên tiếp là 108.000 đồng/bình 12 kg. Tổng 2 lần tăng là 82.000 đồng/bình 12 kg.
Giá cua huỳnh đế giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch Covid-19
Ghi nhận trong ngày 28/4, tại nhiều cửa hàng bán hải sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá cua huỳnh đế “lao dốc” từ 1 triệu đồng/kg xuống chỉ còn 500.000 đồng/kg.
“Cua huỳnh đế được biết đến là loại hải sản đặc sản của vùng đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận). Mùa của loại cua này chỉ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, các tháng khác trong năm sẽ ít dần. Do đó, lúc này đang được xem là thời điểm vào mùa của cua huỳnh đế”, chị Thời, chủ một cửa hàng hải sản trên đường Phạm Hùng (quận 8, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Giá cua huỳnh đế giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
Cũng theo chị Thời, mặc dù đang vào mùa rầm rộ, nhưng thay vì giữ được mức giá cao như các năm trước, năm nay những ảnh hưởng của dịch covid-19 đã kéo giá cua huỳnh đế giảm mạnh.
“Nếu trong khoảng thời gian trước dịch, cua huỳnh đế được bán ra thị trường ở mức giá cả triệu đồng/kg và 750.000-850.000 đồng/kg loại 400-500 gram, thì hiện tại giá cua huỳnh đế đã giảm từ 30-50%, cụ thể chỉ còn 450.000-550.000 đồng/kg”, chị Thời nói.
Hơn 10 năm làm nghề buôn bán hải sản tại TP Hồ Chí Minh, cô Thảo, chủ vựa hải sản trên đường An Dương Vương (quận 5, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chưa năm nào giá cua huỳnh đế lại rẻ như năm nay, mức 450.000-500.000 đồng/kg là mức giá thấp kỷ lục của cua huỳnh đế.
“Mặc dù hiện nay, TP đã hết cách ly xã hội, mọi người dần quay lại với cuộc sống năng động trước đây. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến kinh tế suy thoái, khó khăn đang là tình hình chung của mọi gia đình. Vì vậy, thời điểm này để bán được hàng, ngoài việc thay đổi phương thức tiếp cận thì toàn bộ hải sản, tôi đều chủ động giảm giá chứ không riêng gì cua huỳnh đế”, cô Thảo nói.
Giá thực phẩm tăng trong ngày lễ 1/5
Giá rau tăng trong ngày lễ 1/5.
Ngày 1/5, ghi nhận tại các chợ lẻ ở TP Hồ Chí Minh, giá các loại rau xanh đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg : Rau dền và mồng tơi tăng 3.000 đồng lên 25.000-28.000 đồng/kg, rau muống lên 18.000-20.000 đồng/kg, bắp cải trắng 20.000-22.000 đồng/kg, cà chua 17.000-20.000 đồng/kg, cải xanh 25.000-27.000 đồng/kg, bông cải xanh 38.000-40.000 đồng/kg, rau má 38.000-40.000 đồng/kg,...
Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm tươi sống khác như gà, cá, hải sản,... cũng đồng loạt tăng nhẹ từ 2.000-3.000 đồng/kg do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong dịp lễ 1/5.
Giá gia cầm tăng trở lại
Ông Phương, người nuôi gia cầm ở Đồng Nai cho biết, gà hơi lông trắng hiện có giá 27.000 đồng mỗi kg, tăng 3.000 đồng so với trước đó. Còn vịt lên 36.000-37.000 đồng một kg, tăng 4.000 đồng. Theo ông này, sau khi nới cách ly, các hàng quán mở cửa trở lại đã giúp việc tiêu thụ gà, vịt của bà con được thuận lợi hơn.
Giá gia cầm tăng trở lại.
Tương tự, ông Thanh - một thương lái cho hay, mỗi ngày ông mua khoảng 700 con gà và vịt, tăng 200 con so với trước đây. Đặc biệt, từ ngày 1/5 trở đi, ông cho rằng số lượng đặt hàng từ các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn trường học tăng nên lượng gà cần mua sẽ tăng lên gấp đôi.
"2 tháng qua, tôi chỉ mua cầm chừng vì lượng đặt hàng giảm do dịch bệnh. Nếu thời gian tới Covid-19 không còn diễn biến phức tạp thì giá gia cầm được đẩy lên và người nông dân sẽ có lời trở lại", ông Thanh nói.
Không chỉ giá thịt gà, vịt nhích lên mà trứng gia cầm cũng tăng 100-200 đồng một quả. Nhiều trang trại cho biết, các cơ sở làm bánh đang tăng số lượng đặt hàng. Đặc biệt, các sản phẩm trứng muối được đặt mua với số lượng nhiều nên giá sản phẩm này cũng tăng 200 đồng so với trước đó. Hiện, trứng gà tại vựa ở mức 1.600-1.700 đồng một quả, trứng vịt 1.900-2.300 đồng một quả.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, giá gia cầm đang dần phục hội. Tuy nhiên, với mức giá này người nuôi vẫn chưa thể lấy lại vốn vì đã bị thua lỗ trong thời gian dài trước đó. Nếu mức giá này tiếp tục giữ vững trong thời gian tới, người nuôi mới có thể bù lỗ. Hiện các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa dám tái đàn vì sợ lỗ nặng, còn trang trại thì chỉ nuôi cầm chừng.
Giá trái cây đồng loạt tăng
Sau một thời gian giá rớt thê thảm, rẻ như cho vì dịch Covid-2019, những ngày gần đây giá các mặt hàng trái cây như dưa hấu, thanh long, chôm chôm,... đã hồi phục, tăng mạnh trở lại.
Giá trái cây đồng loạt tăng.
Ông Trương Quan An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết: “Giá thanh long đã phục hồi trở lại. Khoảng 3-4 ngày gần đây, thanh long ruột đỏ tại địa phương được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg”.
Sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thanh long ở Châu Thành không xuất khẩu được sang Trung Quốc khiến giá sụt giảm mạnh, chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg mà vẫn có rất ít thương lái gom mua. Song, ông An cho hay mấy ngày gần đây, thương lái bắt đầu quay lại thu mua nhiều hơn, thanh long cũng được xuất bán vào các siêu thị với lượng lớn. Nhờ đó, hàng tồn đọng trên cửa khẩu đã được làm thủ tục thông quan sang Trung Quốc, kéo theo giá thanh long tăng mạnh trở lại.
Tuy không được mức giá cao như trước Tết, song ông An cũng phấn khởi vì với giá bán hiện tại người trồng thanh long đã hoà gốc, thậm chí vườn nào cho sản lượng cao ở vụ thanh long chòng đèn này còn lãi khoảng 1.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc HTX Thanh Long Hội Quán, thông báo, khoảng một tuần trở lại đây giá thanh long bắt đầu tăng. Thương lái đến tận vườn mua thanh long với giá dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000-5.000 đồng so với tuần trước.
Tương tự, mặt hàng ớt ở huyện Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự ở tỉnh Đồng Tháp cũng có chiều hướng tăng mạnh trở lại. Giá ớt từ 6.000 đồng/kg nay tăng lên 12.000-13.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), cũng vui mừng cho hay, hiện giá chôm chôm Java được thu mua tại vườn từ 12.000-13.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với rộ vụ vào hai tuần trước. Chôm chôm đường hiện có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg và chôm chôm Thái khoảng 25.000 đồng/kg.
Theo ông Nhân, chôm chôm Java đang vào cuối vụ, sản lượng ít khiến giá tăng trở lại và được thương lái thu mua bán trong nước.
Tại Gia Lai, sau thời gian giá dưa hấu giảm còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn bế tắc đầu ra vì dịch Covib-19 khiến mặt hàng này không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, nay giá cũng phục hồi trở lại.
Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa (Gia Lai), hiện đã có thương lái quay trở lại thu mua dưa cho bà con. Giá dưa được thu mua tại cánh đồng vào khoảng hơn 3.000 đồng/kg, tức tăng gấp đôi so với tuần trước.